Thời gian làm việc: Từ 7h00 đến 23h00
Hotline: 0988315219

7 nguyên tắc vàng khi huấn luyện chó mà bạn phải nằm lòng

DƯ VĂN TIẾN
|
Ngày 20/04/2023

Bạn đang nuôi cún cưng và có ý định tự huấn luyện chó tại nhà hoặc là nghiên cứu học cách huấn luyện chó để có thể trải nghiệm những thú vị với cún cưng. Huấn luyện chó có đơn giản không? Câu trả lời là không! Nó đòi hỏi nhiều thời gian, phương pháp đúng và cả những nguyên tắc bắt buộc mà người huấn luyện viên phải nằm lòng nếu không thì chắc chắn thất bại. Những nguyên tắc này nếu chúng ta nắm vững và áp dụng vào các bài huấn luyện thì chắc chắn sẽ có thành quả. Có điều, việc dạy một chú chó đạt đến một tầm cao nào đó thì còn cần sự mát tay, kinh nghiệm và sự hiểu biết về chó như thế nào? Bài viết này chúng tôi cung cấp cho quý vị những chia sẻ bổ ích để quý vị có thể nắm chắc và đưa vào việc dạy dỗ cún cưng ngay tại nhà dễ dang hơn.

Nguyên tắc 1: Yêu thương

Bạn nên nuôi một chú chó con từ 2 đến 3 tháng tuổi và thiết lập sự thống trị đối với chú chó của mình ngay từ khi còn nhỏ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chó là loài có tâm lý tình cảm rất lớn. Khi bạn yêu thương, đối xử với nó như một thành viên trong gia đình thì nó có xu hướng tin tưởng và nghe lời bạn. Tất nhiên khi huấn luyện một chú chó dễ nghe lời hoặc tin tưởng bạn tuyệt đối sẽ dễ hơn là một chú chó ương bướng phách lối và không coi bạn là thủ lĩnh của nó.

Để thiết lập sự thống trị đối với chó chúng ta đặt tên chó một cách ngắn gọn và quan trọng là mình thích. Dùng thức ăn và gọi tên để cho chó biết được tên của mình. Thông thường khoảng 2 đến 3 ngày thì chó sẽ nhớ tên. Sau đó, bạn ngồi ăn trước mặt chó, dù nó có đòi hỏi như thế nào cũng không cho, chỉ sau khi bạn ăn xong thì mới cho nó ăn. Tiếp theo đa số các chú chó có xu hướng chạy ra đón bạn mỗi khi bạn bước vào nhà, không nhường đường nó mà bắt buộc nó tránh ra, lùi về phía sau và lẽo đẽo theo bạn vào nhà. Đối xử với chó không nặng lời, không đánh đập, hay vuốt ve nhưng phải có uy với chó.

Nguyên tắc 2: Thời gian

Nếu bạn không có nhiều thời gian huấn luyện thì việc này khá khó. Thời gian để chơi với chó, di dạo, cho nó làm quen với những thứ lạ lẫm, trò chuyện để củng cố mối quan hệ. Quan trọng nhất là thời gian huấn luyện cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tôi lấy ví dụ hôm nay bạn dạy chó vào lúc 7h sáng thì ngày hôm sau bạn cũng phải dạy và ôn bài cho nó vào khung thời gian ấy. Có vậy, đồng hồ sinh học của nó mới đồng bộ được và việc tiếp thu trở nên tốt hơn. Nếu chúng ta dạy bữa được bữa không, thời gian thì tùy thích thì chắc chắn không đạt được kết quả gì.

Nguyên tắc 3: Kiên nhẫn

Kiên nhẫn vừa là nguyên tắc quan trọng hàng đầu vừa là tiêu chí để đánh giá người huấn luyện có kinh nghiệm hay không. Chó không phải là con người, chúng học theo những gì mà người huấn luyện chỉ và tất cả chỉ là bắt chước hoặc phản xạ tự nhiên khi bị dẫn dụ. Chó thông thường sẽ thực hiện các động tác sai hoặc chưa đẹp. Bạn không nên đánh hay la mắng nó sẽ làm nó sợ. Quan trọng nhất là phải biết kiên nhẫn coi lại trình tự phương pháp huấn luyện, uốn nắn từ từ và thực hiện lại đến khi chó nắm bắt được. Không nên nhảy cóc, bỏ dở chừng khi huấn luyện chó hoặc là biết sai mà vẫn cho chó làm vì mình quá căng thẳng và hết kiên nhẫn với chó. Không nên nóng vội và đòi hỏi quá nhiều từ chú chó nhà mình. Cần từ từ, làm đúng từng bước, chó sai thì bắt tập lại. Không ép chó quá nhiều vì khi mệt nó sẽ không học tốt được.

Nguyên tắc 4: Thời khóa biểu

Những chuyên gia hàng đầu trong nghề chỉ ra rằng: Mỗi ngày chỉ nên huấn luyện chó 2 lần. Khung giờ tốt nhất là 8h sáng và 4h chiều. Đây là đặc điểm tâm sinh lý ở chó. Mỗi lần tập khoảng 20 đến 30 phút. Trước khi tập phải đảm bảo chó đã được ăn ngon và sau bữa ăn tầm 2 tiếng đồng hồ. Khung giờ huấn luyện cần được tuân thủ hằng ngày đến khi thành công. Và khi đã thành công thì cũng phải tuân thủ ôn bài vào những khung giờ đó đến khi thành thục. Phải có quá trình rõ ràng như vậy. Việc tuân thủ nguyên tắc này rõ ràng nhất là khi dạy chó đi vệ sinh đúng nơi quy định. Nếu lệch giờ thì mặc định thất bại mà không cần bàn cãi quá nhiều.

Nguyên tắc 5: Khen thưởng và xử phạt

Chó hình thành phản xạ có điều kiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào phương pháp huấn luyện và cách đối xử của người huấn luyện. Phải coi chó như một đứa trẻ, thích được nhận quà, động viên và rèn sai thì trách phạt nhẹ nhàng. Khi huấn luyện chó, mỗi khi chó làm đúng thì thưởng thức ăn, vuốt ve để nó cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, Từ đó chó học nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn. Dùng nguyên tắc này mọi lúc kể cả sau này sử dụng.

Với chú chó làm sai hoặc quá bướng thì la mắng nhẹ nhàng, nghiêm nghị, dứt khoát. Phạt bằng cách bắt ngồi im hoặc nằm im. Thời gian phạt kéo dài tầm một phút.

Nguyên tắc 6: Câu lệnh kịp thời, dứt khoát

Mỗi khi dạy chó học kỹ năng gì thì câu lệnh cần được đưa ra kịp thời dứt khoát. Nói to, rõ và nghiêm nghị. Điều này giúp chó nhận được lệnh một cách rõ ràng và tập trung nhất. Câu lệnh to còn để chó biết nghĩa vụ phục tùng đối với lệnh của chủ. Khi bạn kết hợp dạy chó từ nhiều phương pháp khác nhau thì tại thời điểm mà chó thực hiện đúng động tác phải kèm với câu lệnh tương ứng. Việc ôn bài hay sử dụng chó cũng cần tuân thủ nguyên tắc này.

Nguyên tắc 7: Tính lặp lại

Như chúng tôi đã nói từ đầu: chó chỉ thực hiện đúng sau nhiều lần tập luyện đúng. Ở mỗi loài chó khác nhau thì khả năng học hỏi cũng khác nhau và tùy thuộc vào phẩm chất từng chú chó. Để hình thành kỹ năng và giúp chó nhớ những gì đã học thì phải ôn bài. Đây là nguyên tắc tính lặp lại khi huấn luyện. Chó dù đã luyện thành công cũng phải ôn bài để nó thành bản năng chuyên sâu ở chó.

Lưu ý khi huấn luyện chó tại nhà

Sau khi các bạn đã nắm 7 nguyên tắc huấn luyện chó này thì cũng phải lưu ý một số vấn đề sau để việc dạy chó tại nhà được thuận lợi và vui vẻ. Đó là không huấn luyện chó khi nó đang ốm yếu, bệnh tật. Không được ép buộc nó, đánh đập nó và cả người cả chó vật lộn học đến vã mồ hôi. Dạy chó như dạo chơi, không căng thẳng, áp lực và quá nhiều. Ngày 2 lần và mỗi lần 30 phút là quá ổn.

Chó phải học từ dễ đến khó, có tuần tự, không được nhảy cóc, hời hợt. Tập và thực hành một kỹ năng đến khi nhuần nhuyễn, chó phản xạ tự nhiên nhất mới chuyển. Với kỹ năng bảo vệ chủ hoặc tấn công thì bạn nên cân nhắc có dạy hay không vì kỹ năng này nếu đào tạo không tốt có thể khiến banj gặp nhiều phiền toái.

Viết bình luận
Zalo Huấn luyện chó Sài gòn DVT hotline